Tinh hoa Phở Việt - Kỳ 4: Ở đâu có người Việt, ở đó có phở
Theo chân người Việt, phở ngao du khắp nơi trên thế giới. Sau năm 1975, thời thế lật sang một trang sử mới, mở đầu thời kỳ toàn cầu hóa của phở Việt.
Phở xuất ngoại
Gặp "thời thế, thế thời phải thế!", phở theo chân những người Việt lên tàu vượt biển, dấn thân vào cuộc trường chinh ly hương vạn dặm. Phở tràn sang trú ngụ ở quận 13 của thủ đô Paris hoa lệ. Ba tháng trên đất Pháp vào năm 1992, tôi từng được đãi "phở Việt vị Pháp".
Giá khá đắt, đến 30 quan/bát (tiền tệ Pháp - khoảng 6 USD), vừa ăn vừa xót ruột bởi chất lượng quá tệ với bánh phở khô, thịt bò tủ lạnh cắt ra và nước dùng nhạt thếch..., chẳng thấm gì với hương vị ở quê nhà.
Sau này sang thời mở cửa, cộng đồng người Việt ngày một đông, lại thêm có Vietnam Airlines tiếp sức, chất lượng "phở Việt vị Pháp" đã tiến bộ hơn nhiều với bánh phở tươi, gia vị nấu phở đủ loại phong phú, không như thuở trước.
Phở cũng vượt Thái Bình Dương sang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chọn quận Cam, bang California lập nghiệp trong cộng đồng Việt. Cả một "tiểu Sài gòn" di cư sang đất Mỹ mà không có phở thì thật phi lý.
Khi sang Hợp chủng quốc, phở Việt có kích cỡ "khủng bố", ăn theo "dạ dày" Mỹ! Trong những quán phở Việt hiện nay tại Mỹ, tô phở có ba kích thước: tô nhỏ, tô trung và tô xe lửa (nếu theo định nghĩa trong từ điển giải thích Việt Nam, tô xe lửa phải được gọi là "chậu phở").
Vị kỳ diệu của phở đã dần lan tỏa sang cộng đồng người Mỹ. Không chỉ có người Việt nấu phở mà cả người Mỹ cũng mở quán phở.
Năm 1990, một đầu bếp người Mỹ có tên Didi Emmons đã tự mở quán phở đầu tiên ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, và rồi nhanh chóng lan tỏa ra nhiều bang nước Mỹ.
Lần lần phở có mặt ở nhiều nơi trên thế giới: Anh, Canada, Úc, phở ở khu chợ Sapa Praha, Cộng hòa Czech, phở Vacsava, Ba Lan. Phở hiện diện tại Dom 5, Matxcơva, phở có tại xứ sở vạn tượng Vientiane, Lào, phở sang Phnom Penh, đất nước Apsara - Angkor kỳ vĩ.
Đến xứ kim chi, phở có sức hút kỳ lạ, người Hàn thích phở đến độ nhiều người mở quán nấu phở, dám cạnh tranh với ngay cả "chính chủ" người Việt, lập nên kỳ tích "phở Hàn gốc Việt"...
"Con đường phở Việt" cứ thế vươn dài, len lỏi khắp hành tinh: Ở đâu có người Việt, ở đó có phở! Quả không ngoa chút nào! Có một bạn trẻ ở Quảng Ninh thích ngao du bốn bể, đã lập một bản đồ giá cả phở Việt ở các quốc gia anh từng đi qua, từng ăn phở.
Kết quả thật đáng kinh ngạc: phở Việt có mặt tại 45 nước trên thế giới!
Một tiệm phở Việt Nam tại quận 13 (Paris) - Ảnh: TR.N
Phở... Trường Sa
Tháng 5-2013, trong những ngày không khí Biển Đông sôi sục, Trường Sa là điểm đến của muôn trái tim, khối óc Việt... và phở Việt đã không vắng mặt ở nơi đầu sóng đầu gió.
Ba đời gia đình Vũ Ngọc Vượng hành nghề nấu phở từ những ngày đầu có phở, khi người Pháp còn đang chiếm đóng Hà Nội (1920).
Là dòng họ phở gốc gác Thành Nam, nên cả họ đều mở quán phở nhiều đến nỗi Vượng không nhớ được hết số anh em họ hàng làm chủ những quán phở trên đất Hà thành.
Vũ Ngọc Vượng có một thành tích nghề nghiệp đáng nể khi được Tập đoàn ACCOR và khách sạn Sofitel Metropole trao giải nhất kỳ thi nấu phở đầu tiên năm 2006. Phở Vượng từng vinh dự được chọn phục vụ hai tuần liền cho APEC lần 14 tại Hà Nội (2006).
Dù vậy, anh cho rằng niềm tự hào nhất đối với đời bán phở của mình chính là chuyến vượt muôn trùng sóng gió đến với Trường Sa, để tự tay nấu 1.000 bát phở cho các chiến sĩ đang chắc tay súng giữa lúc dầu sôi lửa bỏng.
Ra Trường Sa trong những ngày ấy là thách thức to lớn đối với Vượng. Rất nhiều nguyên liệu như: rau thơm, hành, gừng, ớt... và gia vị khác được anh đóng gói từ Hà Nội, chuyển bằng máy bay vào TP.HCM.
Ngày lên tàu quân sự ra đảo, Vượng là hành khách được ưu tiên đặc biệt: mình anh có đến... 30 kiện hàng!
Chưa hề hành nghề xa nên việc nấu ở ba điểm đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa Lớn là một thử thách nghề nghiệp. Mỗi bát phở có hàng chục loại gia vị đòi hỏi một sự chuẩn bị cẩn thận.
Hành trình dài ba ngày trên biển không hề đơn giản. Vượng say sóng, nôn ọe đến mật xanh mật vàng, không dám ăn chỉ nằm bẹp trong cabin cho đỡ say. Cố gắng lắm mới húp ít cháo và vài củ khoai lang để cầm cự. Người rũ như tàu lá.
Ấy thế mà khi tàu gần đến đảo Sơn Ca, sức mạnh nghề nghiệp ập đến nâng Vượng bật dậy leo lên đảo trong vai trò "nhạc trưởng" chỉ huy các chiến sĩ hải quân nấu món phở. Anh thực hiện những công đoạn chính, phần việc còn lại nhờ các chiến sĩ phụ giúp.
Vượng kể: "Hàng phở của tôi ở Hà Nội lúc đông nhất cũng chỉ phục vụ khoảng 80 người, nhưng hôm ấy trong hơn một giờ, tôi nấu hơn 200 bát phở Hà Nội phục vụ chiến sĩ đảo Sơn Ca".
Những ngày sau đó, Vượng tiếp tục trổ tài chiêu đãi phở Hà Nội trên đảo Nam Yết, Trường Sa Lớn, tổng cộng hơn 1.000 bát phở. Nhiều chiến sĩ ăn xong thèm thuồng: "Phở Hà Nội ngon thật! Giá như được ăn thêm bát nữa".
Và Vượng đã cố gắng chiều lòng họ: tháng 5-2017, anh một lần nữa cưỡi sóng vượt biển mang 2.000 suất phở Hà Nội ra Trường Sa.
Các chiến sĩ trên đảo Phan Vinh (Trường Sa) thưởng thức phở Vượng - Ảnh: HỒNG KỲ
Xúc động trước... phở
Các chiến sĩ hải quân ngỡ ngàng, xúc động trước tình cảm đặc biệt của đất liền vì Trường Sa chưa từng một lần nấu phở. Có những người đã bốn, năm năm ở đảo chưa được thưởng thức vị phở quê hương.
"Đến nay đã gần 14 năm, tôi mới được nếm lại hương vị phở Hà Nội, mà lại ở một nơi rất đặc biệt: Trường Sa!" - trung tá Xuân, phó chỉ huy đảo Sơn Ca, xúc động nói trong nghẹn ngào.
Nguồn: https://tuoitre.vn/pho-viet-ky-4-o-dau-co-nguoi-viet-o-do-co-pho-2017121109552972.htm